Thursday, October 15, 2009

Hồi Ký Thép Đen Đặng Chí Bình

 Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
*
(Tiếp theo...)
Lưỡng lự một hai giây, tôi ngồi nhìn thẳng y. Để "bắt mạch" món hàng buổi đầu, y nghiêm giọng:
- Từ Thanh Hóa về đây chỉ 3-4 ngày, hôm nay đã 7 ngày, vậy còn 3 ngày nữa anh đi đâu?
Tôi hơi nhếch mép. Y phải nhìn thấy cái nhếch mép của tôi. Đến những bậc thầy của y tại phòng phản gián, và chấp pháp của Hà Nội, tôi còn đối ứng được, huống chi là một tên công an phường. Điều quan trọng là phải quán thấu tình trạng, điều kiện và cái quyền có thể của mình. Trong hoàn cảnh tầu, xe Bắc Nam hiện nay, những chuyện trục trặc, trở ngại là chuyện thường xuyên, không ai định trước được, vả lại có điều khoản nào trong giấy tờ ấn định ngày, giờ phải có mặt tại nhà đâu? Nghĩ như thế, tôi nhìn thẳng vào mắt y, thủng thẳng, ôn tồn nói:
- Tôi bị trở ngại tầu dọc đường!
Tên này cũng rất nhạy cảm, tuy tôi chỉ nhã nhặn nói như vậy, nhưng y đã thấy tôi không phải là loại trộ nạt được. Sơn ăn từng mặt! Mềm nắn, rắn buông! Y dịu giọng:
- Anh được Đảng và nhà Nước tha cho về địa phương, anh phải chấp hành mọi đường lối, chính sách của địa phương. Hơn nữa, anh còn đang ở dạng quản chế!.
Lại gặp những "con vẹt" và "loài nhai lại", tôi đứng thẳng lên, nhưng vẫn rất lễ độ, ôn tồn:
- Hôm nay buổi đầu được gặp các ông, chắc rằng tôi còn được gặp ông nhiều lần nữa. Hiện giờ mẹ tôi đang bị ngất ở nhà, xin phép ông tôi về xem mẹ tôi sống, chết ra sao!
Nói rồi, tôi hơi nghiêng người như chuẩn bị trở về. Tên Trung úy, sau này tôi biết y là Mậu, trưởng CA Phường 6, cũng đứng lên dõng dạc:
- Sáng thứ Hai, anh lên đây nhận chỉ thị!
Hôm nay là thứ Sáu. Tôi quay lại tỏ ra đường hoàng, nhưng rất nhã nhặn:
- Xin cảm ơn. Tôi sẽ lên gặp ông sáng thứ Hai!
Tôi trở ra ngay, trước sáu, bảy tên CA đứng phía trong nhìn theo. Tôi rảo bước nhanh chân, gần về tới nhà thì có một cô gái tóc dợn sóng chừng ba chục tuổi, đang hối hả đi ngược chiều tôi. Cô ta đi qua, còn ngoái lại. Tôi cũng vậy. Cô đó hơi ngượng ngùng quay lại nhìn tôi ngập ngừng:
- Xin lỗi có phải anh là.......
Niềm xúc động của tôi lại cuộn lên, tôi chộp lấy tay cô và kêu lên:
- Thu à?
Nước mắt của em túa ra, miệng méo xệch. Đè nỗi thổn thức vào lòng, tôi hỏi ngay:
- Mẹ sao rồi?
Em Thu đã cầm cả hai tay tôi kéo về phía nhà, miệng còn hổn hển vì xúc động:
- Mẹ tỉnh rồi, không sao cả anh ạ! Mẹ và bà con bảo em ra phường xem anh ra sao!
Hơi yên lòng, tôi dắt tay Thu, và nhìn em. Khi tôi rời xa, em là một cô bé 13 tuổi, thế mà bây giờ... Mới nghĩ tới đấy, tôi và em đã bước vào nhà, vẫn còn bốn, năm bà và một ông trong nhà. Thầy mẹ tôi đang ngồi cạnh nhau, trên chiếc giường của mẹ tôi phía trong. Thấy tiếng tôi về, mẹ tôi quay ra, nhưng.... mẹ ơi! Mẹ đâu có nhìn thấy con! Tôi chợt nghĩ đến đứa em trai tên là Công Lý, khi tôi rời xa, em Lý 17 tuổi đang học Đệ Tam trường Hồ Ngọc Cẩn. Từ sáng tôi về chỉ thấy hai ông bà già, đã làm rối loạn lòng tôi, nên chẳng còn tâm trí nghĩ về em Xuân, em Lý và em Thu. Tôi quay lại hỏi thầy mẹ tôi, nhưng trong nhà ai cũng nghe:
- Thầy mẹ ơi! Em Lý ở đâu?
Mẹ tôi lại gục xuống gào lên:
- Nó chết rồi.... con ơi!
Như một hơi ép nén ngược lại, làm cho tôi không thở được, tôi phải để tay lên ngực và một bà đỡ cho tôi ngồi vào một chiếc ghế. Trong khi thầy tôi cứ nấc lên rồi lại kêu rồ.... rồ như vướng cái gì trong cổ họng, còn em Thu đứng dựa, gục đầu vào tường vai rung lên không nói ra lời. Tay tôi vẫn đè ở ngực, một nỗi đau như xé tim tôi, mà không hề chảy một giọt nước mắt. Thấy bố mẹ và em Thu thì nước mắt chảy ra không kịp lau, nghe tin em trai duy nhất chết lại chỉ có đau mà không có nước mắt. Có thể hạch nước mắt của tôi đã hết nước, hay nỗi đau đã dồn vào tim, vào óc? Tâm tư của tôi lại chảy ngược về em Xuân, cô em lớn sát tôi, em đã có hai con trước ngày tôi ra Bắc. Tôi đã góp phần giới thiệu để chú ấy làm công nhân, ở Công Binh Xưởng Hải Quân Ba son.
Tôi quay lại, hỏi nhỏ em Thu:
- Vợ chồng chú Tuất, cô Xuân thế nào?
Có lẽ vì còn đông các bà, nên em Thu chỉ vắn tắt:
- Anh chị ấy vẫn ở bên Lăng Cha Cả!
Thấy hai giòng nước mắt vẫn chảy ra từ hai con mắt lòa nhắm nghiền của mẹ, tôi lại trèo lên giường ngồi bên mẹ, thì thào vào tai mẹ, nũng nịu như ngày còn bé:
- Sao mẹ còn khóc nữa hở mẹ?
Mẹ tôi nấc lên liên hồi, vừa nói, vừa khóc:
- Mẹ thương... thằng Lý qúa!
Mười chín: Trở về Thành Đô
Chúa ơi! Con nhìn chỗ nào gia đình con cũng thương đau cả! Nhìn đôi mắt lòa của mẹ, lòng tôi như mềm nhão ra. Tôi muốn biết nguyên nhân vì sao mẹ tôi bị lòa, và lòa từ bao giờ, nhưng mẹ tôi đã bẻ quay hồn tôi về phía em Lý. Tôi định cất tiếng hỏi vì sao Lý em trai độc nhất thương yêu của tôi chết? Và từ bao giờ? Một số các bà kiếu từ, để cho chúng tôi trao đổi riêng tư chuyện gia đình. Họ đồng loạt chào bố mẹ tôi. Tôi đến từng bà, với đôi mắt còn ướt sũng thương đau:
- Những ngày tới cháu sẽ đến kính chào và thăm hỏi gia đình. Hôm nay cả gia đình cháu đã đón nhận lòng nhân hậu đùm bọc người hoạn nạn của qúy bà.
Tôi quay vào thì em Thu đang ngồi bóp vai cho mẹ. Thầy tôi sau khi hút điếu thuốc lào đã bỏ mùng nằm yên rồi. Tôi sà đến bên mẹ, cầm bàn tay nhăn nheo của mẹ, và khẽ hỏi em Thu vì sao mẹ bị lòa?
Từ khi tôi lớn lên biết cuộc đời, tôi đã thấy mẹ bán vải tấm từ ngoài Bắc. Trước hội nghị Genève 1954 người cũng chỉ bán vải. Người đã tần tảo ngược xuôi để nuôi bốn anh em chúng tôi, và tạo lập một gia đình. Như tôi đã trình bày trước đây, bố tôi là một võ sư về môn quyền thuật phái Thiếu Lâm, đến nay bố đã 76 tuổi rồi. Tôi đâu có ngờ một người võ sư quắc thước của 18 năm xưa, bây giờ là một cụ già chống gậy, tâm thần đã lẫn lộn. Khi tôi nhận một nhiệm vụ nhỏ bé vào đất thù, bố mẹ tôi không hề biết như tôi đã trình bày chi tiết ở Thép Đen I.
Mẹ tôi vẫn bán vải ở chợ Nam Hòa, tôi là con trai cả, đột nhiên đi đâu mất tiêu, mẹ tôi đã chảy nhiều nước mắt trong bao đêm ngày, cho đứa con hẩm hiu xấu số để rồi mấy tháng sau, mắt của người sưng lên. Theo em Thu nói, có lần mắt mẹ chảy máu, đã chạy chữa nhiều thuốc, nhiều thầy nhưng không khỏi. Ngồi nghe em Thu thuật lại nỗi niềm, tôi cầm tay mẹ và nhìn mắt mẹ.
Giòng suy tư của tôi cuồn cuộn, cái nguyên nhân đã có phần của tôi, do người khóc nhiều, mắt người sưng lên, rồi có vi trùng xâm nhập, nếu chữa thuốc và ngừng khóc thương thì sẽ khỏi như nhiều người. Nhưng nỗi nhớ thương người con trôi nổi nơi đâu, còn sống hay đã chết, đã cuộn chặt trong lòng người, để rồi nước mắt của người vẫn chảy và chảy nữa. Kết qủa là hai năm sau, đôi mắt của người đã lòa. Lúc ấy là năm 1964.
Như thế tôi đi tù 18 năm, mẹ tôi cũng không nhìn thấy cuộc đời 16 năm mà tôi đâu có biết. Cũng qua em Thu, tôi được biết về em Công Lý. Lý có vợ từ năm 1964, do ở trong quân đội VNCH nên đã di chuyển cùng vợ xuống miền Hồng Ngự, Đồng Tháp. Cho tới khi miền Nam sụp đổ, em tôi đã có sáu đứa con nên không di tản. Rồi do oán thù cá nhân, đã bị một tên Trung đội trưởng du kích bắn chết khi em tôi đang ngủ. Bắn một người đang ngủ không những là hèn, mà còn khiếp sợ người mình bắn. Riêng phần em Hoài Thu, cô em út của tôi, bây giờ đã có ba đứa con. Người chồng vì trốn học tập nên hiện nay, đang ở trong trại giam Chí Hòa.
Tôi nhìn cô em gái út, khi tôi rời xa còn là cô bé tí 13 tuổi, đúng là: Anh đi em mới mười ba. Anh về em đã thành bà, ba.... con.
Tôi đang ngồi dựa vai mẹ, nghe em Thu kể những chuyện trong 18 năm xa nhà của tôi, bỗng nghe tiếng khóc nỉ non phía phòng ngoài:
- Anh ơi!... Anh.... đâu rồi!
Tôi bước vội xuống đất, một bà... à em Xuân của tôi, nước mắt dầm dề, mặt mày méo xệu ôm chầm lấy tôi, rên rỉ:
- Anh ơi!...
Phía sau em Xuân, một người cao lớn, chú Tuất (chồng Xuân), tuy mặt chú đã nhiều vết nhăn, tôi vẫn nhận ra, hai anh em ôm lấy nhau. Câu nói đầu tiên của chú:
- Anh gầy... ốm qúa!
Xuân sà đến chỗ mẹ, anh em tôi hàn huyên những ngày xa cách. Tôi hơi ngạc nhiên, quay hỏi cô Xuân:
- Làm sao vợ chồng em biết là anh về?
Em Xuân đã nói trong nét mặt thiểu não:
- Do bà Chức, (tôi chả hiểu bà Chức là ai) đi xe đạp sang nhà em sáng nay, báo anh đã về. Em bận coi năm, sáu đứa nhỏ, phải đợi chiều nhà em đi làm về, cho nên bây giờ vợ chồng em mới đi được.
Chú Tuất nhìn xuống bếp, rồi nhìn tôi, nói vội:
- Để em chào thầy đã!
Nói rồi chú cúi đầu vào sát màn:
- Con chào thầy ạ! Thầy khó ở hay sao mà đi nằm sớm thế ạ?
Chỉ nghe tiếng ậm ừ của thầy tôi, vẻ mệt nhọc, tôi ra hiệu tay, nói khẽ:
- Hãy để cho thầy nghỉ, từ sáng thầy đã mệt!
Anh em tôi xuống chỗ cái sân con nhà bếp nói chuyện. Nhìn chiếc sân bé tí chỉ 3, 4 mét một bề. Thoáng nhìn vào trong bếp, hai chiếc kiềng sắt đã lâu ngày, tro than lạnh ngắt, nói lên sự heo hút trong cảnh sống của bố mẹ tôi.
Sau bao nhiêu những câu chuyện ngược xuôi, chú Tuất cứ nằng nặc mời tôi ra một quán ăn, khu Lăng Cha Cả gần nhà chú. Ý của chú muốn tôi được thưởng thức cái "gu"của Sài Gòn, sau nhiều ngày xa cách.
Chú Tuất đi một chiếc xe mobylette, đèo cô ấy sang đây, cô ấy lại cần về vì mấy đứa nhỏ, cô không yên lòng. Giản đơn và thuận tiện nhất, tôi bảo hãy đèo cô ấy về trước. Tôi sẽ thủng thẳng đi bộ ra ngã ba Ông Tạ, theo đường tôi rẽ sang phía Lăng Cha Cả. Chú Tuất sẽ quay xe lại đón tôi. Tôi cũng muốn nhìn thấy khu vực Ông Tạ giờ đây ra sao.
Loay hoay, lợi dụng chú Tuất xuống bếp, Xuân đã đút vào túi tôi 20 đ. Tôi không thể quên được, điều này đã nói lên nhiều khía cạnh của người em gái, lo lắng cho người anh trai.
Một mình lang thang ra phố phường, đường xưa... lối cũ, nhưng cảnh cũ... người xưa hầu như không còn. Trời đã cập quạng, phố xá đã lên đèn. Tôi ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của phố phường, dòng xe cộ và con người ngược xuôi đi lại. Tôi hiểu, sau khi chiếm được miền Nam, một vùng giầu sang, mầu mỡ. Để quản lý con người và an ninh xã hội, Cộng Sản sẽ tìm mọi cách, "biến" Sài Gòn nói riêng, miền Nam nói chung giống như Hà Nội và miền Bắc. Hiện nay do một số yếu tố khách quan, chúng đang bị trở ngại. Chúng đang và sẽ nỗ lực tìm mọi "mưu ma, chước qủy" để đạt được mục tiêu tối hậu, nói trên. Có như vậy, chỗ ngồi của chúng mới ổn, mới duy trì được "muôn năm trường trị".
Khi tất cả miền Nam đều đổi thay vũng thành đồi, mình không thể bàn tính những chuyện cao xa. Trước hết hãy đi từng bước đầu, tôi tự nhủ. Tôi phải làm sao tìm mua được một chiếc xe đạp, phương tiện không thể thiếu trong cảnh sống của tôi lúc này. Cho nên khi gặp chú Tuất trở lại đón, tôi đã nói, trong khả năng và điều kiện của chú, xin chú tìm mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ, càng sớm càng tốt. Chỉ ngày hôm sau, tôi đã mua được chiếc xe đầm "cà là cộ", có một thắng trước thôi, nhưng thật vừa ý, với giá 90 đ.
Vào quán, chú Tuất gọi cho tôi một bát bún bò giò heo đặc biệt, thật to! Tôi hiểu, thấy tôi gầy ốm, chú Tuất muốn bồi dưỡng đặc biệt cho tôi. Nhưng khi người phục vụ mang bún ra, tôi đã ngập ngừng không muốn ăn. Tôi chợt nhớ đến thầy mẹ tôi, đang ngồi âm thầm trong căn nhà vắng! Thâm ý của tôi, sẽ mua thêm một suất nữa, rồi mang về nhà cùng ăn với bố mẹ cho nó trọn cả ngon, cả nồng. Có thể chú Tuất đã đoán ra phần nào nỗi niềm trong lòng tôi, nên chú đã sốt sắng:
- Em đã mua thêm hai suất, chút nữa mang về cho thầy mẹ!
Trong bụng như mở cờ, tôi nói thẳng ý nghĩ trong lòng:
- Chú có đồng ý là không có gì vui thỏa cho bằng, mình làm được cái mình muốn? Vậy, nếu chú muốn cho tôi vui sướng nhất bây giờ, chú hãy đèo tôi trở về, để tôi ăn bún bò với thầy mẹ ngay tối nay. Hôm khác anh em mình sẽ nói chuyện?
Chú Tuất cũng nồng nhiệt:
- Em sẽ theo ý của anh. Em cũng đã mua thêm ba suất, đem về cho nhà em và các cháu, không kể hai suất của thầy mẹ.
Sự việc này tôi không thể quên, buổi ăn đầu ở Thành Đô, khi tôi trở lại. Bữa bún bò ấy thầy mẹ tôi cũng không ngờ, các người vui và cảm xúc ra mặt. Các người không nghĩ rằng tôi đã không ăn ở hiệu, mà lại về ăn chung với các người. Khi chào thầy mẹ và tôi, chú Tuất nhắc lại:
- Anh nhớ nhé! 6 giờ sáng Chủ Nhật, em sẽ sang đón anh!
Tôi gật đầu. Nhớ lại, khi còn ngồi ở quán bún bò bên Lăng Cha Cả, chú Tuất có cho biết, cơ quan của Ba son sẽ tổ chức cho công nhân ra Cấp chơi và tắm biển ngày Chủ Nhật này. Thường sáu tháng, mới tổ chức một lần. Đúng dịp tôi về, chú ấy muốn mời tôi cùng đi.
Tôi cũng hơi đắn đo ngại ngần, vì mình mới ở tù ra, cái gì cũng xa lạ. Tôi phải hỏi kỹ chú Tuất để phòng hờ những trở ngại như: Tôi đi có thuận tiện không? Những buổi thế này trước đây, người nhà của công nhân có đi không, có đòi hỏi giấy tờ gì không? v.v… Chú Tuất cho biết, mỗi công nhân có thể mang một người nhà. Hơn nữa chú Tuất là công nhân lưu dung của chế độ cũ, chú ấy đã làm việc gần hai chục năm, hiện là tổ trưởng của một dây chuyền sản xuất, nên chú ấy cũng có chút uy thế. Chú nhấn mạnh:
- Anh yên trí, em quen biết ở trong ấy nhiều.
Cũng vì phần bản tính vẫn còn thích những chuyện bất ngờ, mới lạ, nên tôi đã đồng ý.
Để chuẩn bị cho tôi, thầy tôi mở mấy cái vali cũ, người còn nhiều quần áo thời xưa người chưa, hay ít khi mặc. Thậm chí, trong góc cái tủ cũ, tôi còn thấy một chiếc sơ mi ngày trước của tôi. Chỉ vì tính các cụ thường hay giữ những cái xưa để kỷ niệm, vả lại các cụ chẳng có thời gian nom dòm đến.
Giữ đúng lời hẹn, sáng Chủ Nhật ấy, tôi và chú Tuất đã đèo nhau đến Công Binh Xưởng Hải Quân Ba son. Sau khi ăn sáng, ở phía bên ngoài cổng tuy có một tên lính gác, tôi cứ đường hoàng theo chú Tuất đi vào. Mãi trong giữa những khu nhà nhiều máy móc, trên một chiếc xe buýt riêng của công nhân Hải Quân mầu xanh, đã có một số người ngồi. Dõi nhìn vào phía trong, tôi thấy một vài khẩu cao xạ, chắc để trình diễn vì không có người ở đó. Tôi để chú Tuất chuyện trò vì họ là công nhân quen biết nhau. Có một anh, chừng 35 - 36 đeo lon trung úy Hải Quân đến. Qua một lúc, tôi biết tên Trung úy này là trưởng đoàn của chuyến đi.
Đã ăn ý trước, chú Tuất giới thiệu tôi là ông anh họ, mới ở Bắc vào Sài Gòn thăm họ hàng, với tên Trung úy là Quỳnh người Long Xuyên. Tên Trung úy nhìn tôi với một thái độ tôn trọng nhã nhặn. Đoàn đi hơn ba chục người. Xe chạy hướng sang Gia Định rồi lên Thủ Đức. Cảnh vật đường xá đã thay đổi thật nhiều, nếu không chịu khó nhận xét thì nhìn không ra. Tên Quỳnh từ ghế trên quay xuống lịch thiệp:
- Thưa.... anh công tác ngành gì?
Tôi không nghĩ là y lại hỏi chuyện tôi. Ngước lên nhìn y, tôi thấy y có bộ mặt cũng sáng sủa, và đôi mắt thật sáng. (Còn tiếp...)
ĐẶNG CHÍ BÌNH