Hôm qua, tôi và một số anh em đến nhà quàn để viếng nhà văn Đặng Chí Bình lần cuối. Từ hôm anh qua đời trời mưa suốt. Nắng hay mưa chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng những giọt mưa cũng làm cho người đến tiễn đưa anh cảm thấy nặng lòng hơn.
Chúng tôi tới sớm nhưng trong phòng đã có khá đông bà con và đồng hương tới trước. Khu đậu xe không còn chỗ trống.
Trong sổ tang, ngoài gia đình tôi, tôi còn ghi thêm "và thân hữu Facebook” như một số anh chị em và các cháu dặn dò tôi “thắp một nén nhang”. Tôi thắp ba nén tâm nhang, chào chị, “hug” chị thật lâu như mới đây “hug” anh thật lâu, đã trở thành lần cuối, ở Quincy.
Nhà văn Đặng Chí Bình qua đời ở tuổi 90, một tuổi mà nhiều người mong được sống, nhưng anh để lại trong lòng người bao nỗi tiếc thương.
Trong phòng có vài tiếng khóc. Người khóc nhiều là con út của anh. Cháu bị bệnh khi mới ra đời và phải ở lại bệnh viện một thời gian dài trước khi được về nhà. Anh chị thay phiên nhau ở bên con mỗi ngày từ sáng sớm cho đến khi bệnh viện hết giờ thăm viếng. Cháu gần gũi với cha trong từng bàn tay êm ấm vuốt ve, trong từng giây phút thiết tha và trong từng tiếng nói ngọt ngào nên khóc nhiều là phải.
Tôi dành cho SBTN một buổi phỏng vấn 10 phút. Khá bất ngờ và vội vã nhưng không mấy khó khăn vì đã sinh hoạt nhiều năm với anh trong một cộng đồng, vui buồn nhiều năm với anh trong một gia đình văn nghệ. Những gì tôi chia sẻ cũng không có gì mới. Anh khiêm cung, giản dị, hiền hòa là những điểm mà những người gặp anh, đọc anh đều rất dễ nhận ra.
“Thép Đen”, ngoài một hồi ký còn là kỷ vật anh trao cho các thế hệ Việt Nam. Với văn phong trong sáng và bút pháp điêu luyện trong Thép Đen, nhà văn Đặng Chí Bình có thể viết nhiều tác phẩm, truyện dài, truyện ngắn tùy thích. Nhưng anh không viết. Anh chỉ muốn tập trung toàn bộ tim óc của đời anh cho hồi ký Thép Đen.
Mỗi thế hệ, mỗi người có trách nhiệm của mình. Nguyện ước và cũng là trách nhiệm của anh nay đã hoàn thành. Trách nhiệm trước lịch sử được trao tay cho các thế hệ đi sau. Trong buổi phóng vấn tôi mong các bạn trẻ nếu muốn tỏ lòng biết ơn anh, đừng chỉ khóc hay tiếc thương mà nên đọc “Thép Đen”.
Đừng nhận xét một biến cố lịch sử bằng cảm tính ghét thương hay qua bộ máy tuyên truyền mà nên dành thời gian để đọc. Đọc sách là cách tốt nhất để biết và để tránh những chặng đường đau thương bi tráng mà các thế hệ Việt Nam đi trước đã phải đi qua và để từ đó nhận ra con đường phù hợp với văn minh thời đại mà dân tộc Việt nên đi trong hôm nay và cho mai sau.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment